Hà Nội chạy lụt

29/12/2024
|
0 lượt xem
Thời Sự
Hà Nội chạy lụt
Mới nhất Cũ nhất 8h25 Nước sông Nhuệ tràn bờ, đường qua cầu Bươu ngập

Đường cầu Bươu gần Bệnh viện K3 Tân Triều ngập 60 cm do nước sông Nhuệ tràn lên. Nhiều nhà dân trong ngõ 232 Tân Triều phải sơ tán đồ đạc ra ngoài.

Nước sông Nhuệ dâng cao cùng với mưa lớn khiến đường qua cầu Bươu, gần Bệnh viện K Tân Triều ngập sâu 60 cm.

Giao thông ách tắc, cảnh sát giao thông đứng ra giữa đường phân luồng.

Nước tràn vào ngõ 232 Tân Triều.

Người dân phải sơ tán đồ đạc sang nhà hàng xóm cao hơn. Ảnh: Huy Mạnh

08h20 Rà soát các cầu vượt sông, cấm phương tiện qua cầu yếu

Ban An toàn giao thông TP Hà Nội đã yêu cầu Sở Giao thông Vận tải và các đơn vị chức năng rà soát toàn bộ hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, đặc biệt là cầu vượt sông thành phố đang quản lý. Với các cầu yếu có nguy cơ đổ sập, cần khẩn trương cấm người và phương tiện qua cầu và có biện pháp phân luồng, đảm bảo an toàn giao thông trong thời gian cấm.

Cầu Chương Dương. Ảnh: Ngọc Thành

Đồng thời, UBND các quận, huyện, thị xã khẩn trương tập trung rà soát và có phương án tổ chức giao thông đối với hệ thống kết cấu hạ tầng xảy ra sự cố do ảnh hưởng của bão, đặc biệt tại các vị trí cầu yếu và điểm úng ngập cục bộ; kiên quyết không cho người và phương tiện lưu thông qua các cầu có nguy cơ đổ sập.

Thanh tra giao thông Hà Nội được giao phối hợp với công an, các đơn vị chức năng tổ chức hướng dẫn, phân luồng phương tiện qua các vị trí xảy ra sự cố do ảnh hưởng bão Yagi.

Từ 8h30 sáng nay, nhiều phương tiện lớn đã bị cấm qua cầu Chương Dương.

8h15 Cấm đường nối Chương Mỹ với Quốc Oai

Ông Vũ Đình Hiệp, Đội phó Thanh tra giao thông huyện Quốc Oai, cho biết tuyến đường 421B nối thị trấn Xuân Mai (Chương Mỹ) với huyện Quốc Oai cấm tất cả phương tiện tiện từ 17h30 hôm qua do có vị trí ngập sâu hơn 70 cm.

Thanh tra giao thông phân luồng, hướng dẫn phương tiện không qua đường 421B. Ảnh: Gia Chính

Đơn vị này đã phân luồng cách vị trí ngập 3 km để khuyến cáo phương tiện đi theo hướng khác; đồng thời đặt biển cấm phương tiện trên đê Cấn Hữu do tuyến đê này trong đợt ngập hơn một tháng trước xuất hiện điểm thấm nước qua đê.

Ôtô bị cấm đi trên đường đê Cấn Hữu. Ảnh: Gia Chính

8h00 Hà Nội sẵn sàng ứng phó "tình huống xấu"

UBND TP Hà Nội ra công điện về việc tập trung ứng phó lũ lớn trên các tuyến sông. Chủ tịch thành phố yêu cầu giám đốc các ngành kiểm tra, sẵn sàng triển khai phương án hộ đê, ứng phó mưa lũ theo phương châm "4 tại chỗ"; ứng trực 24/24h, duy trì lực lượng ứng cứu nhanh, phối hợp chặt chẽ với quân đội, công an, y tế để ứng cứu kịp thời, hiệu quả.

Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã được giao nắm bắt thông tin về việc xả lũ các hồ chứa thủy điện thượng nguồn, lũ lớn trên các tuyến sông; kịp thời thông báo cho người dân ở những vùng thấp, trũng có khả năng bị ngập hoặc có nguy cơ sạt lở biết để phòng tránh; không để người dân đến những khu vực bị ngập, có nguy cơ sạt lở.

Nước lên cao khiến nhiều hộ dân ngoài đê phải chuyển đồ trong đêm Ảnh: Giang Huy

Các huyện cũng sẵn sàng các phương án sơ tán dân, di chuyển tài sản khi cần thiết; xác định các khu vực nguy hiểm, lên danh sách hộ dân cần sơ tán; đảm bảo đủ chỗ ở, lương thực, nước uống, thuốc men cho người dân.

Các quận huyện tăng cường công tác kiểm tra hệ thống đê điều, kịp thời phát hiện và xử lý sự cố; chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư, phương tiện sẵn sàng ứng phó tình huống xấu.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được giao kiểm tra, rà soát hệ thống đê điều, kè, cống, trạm bơm, các công trình phòng chống lũ khác, đảm bảo vận hành an toàn, hiệu quả; Sở Công Thương rà soát phương án đảm bảo cung ứng đầy đủ các mặt hàng thiết yếu cho dân, đặc biệt là tại các khu vực bị ảnh hưởng/chia cắt bởi mưa lũ; Tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, ngăn chặn tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý.

Theo UBND thành phố, mực nước các sông trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện đang ở mức cao: Sông Tích, sông Bùi: trên báo động 3; sông Cầu, sông Cà Lồ: trên báo động 2; sông Đáy: trên báo động 1 và đang xu hướng tiếp tục lên; sông Hồng tại trạm thủy văn Long Biên: 7,81m (dưới báo động 1 là 1,69m, dự báo sẽ lên báo động 1 vào đêm ngày 10/9).

7h50 Lũ sông Thao, sông Cầu lập kỷ lục sau hơn 50 năm

Tối 9/9, lũ sông Thao đạt hơn 87 m vượt kỷ lục tồn tại 53 năm, lũ sông Cầu gần 29 m vượt kỷ lục tồn tại 65 năm.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn quốc gia cho biết, lũ sông Thao là nghiêm trọng nhất. Mực nước sông này tại Lào Cai lúc 19h ngày 9/9 là hơn 87 m, trên báo động ba 3,62 m, vượt mốc lịch sử năm 1971 khoảng 0,27 m; tại Bảo Hà đạt gần 61 m, trên báo động ba 3,98 m, vượt lịch sử năm 2008.

Trên sông Cầu tại Cầu Gia Bảy mực nước đạt 28,71 m, trên báo động ba 1,71 m, trên mức lũ lịch sử năm 1959 khoảng 0,57 m. Như vậy lũ sông Thao vượt kỷ lục tồn tại 53 năm, sông Cầu vượt kỷ lục tồn tại 65 năm.

Ngập lụt sau bão Yagi ở phường Yên Ninh, TP Yên Bái ngày 9/9. Ảnh: Ngọc Thành

Ba ngày qua, cả 25 tỉnh, thành phố miền Bắc đều có mưa rất lớn với lượng phổ biến 200-400 mm, riêng Lào Cai, Yên Bái và Thái Nguyên phổ biến 400-600 mm. Một số nơi mưa lớn hơn như Nậm Xây Luông, huyện Văn Bàn (Lào Cai) mưa 760 mm, Phú Dảnh (Sơn La) 614 mm, Tân Phương (Yên Bái), Nấm Dẩn (Hà Giang) gần 600 mm. Yên Đổ (Thái Nguyên) mưa 565 mm, Hồng An (Cao Bằng) gần 430 mm.

Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, lượng mưa ở các tỉnh Lạng Sơn, Yên Bái, Lào Cai, Thái Nguyên trong một ngày đã gấp đôi trung bình nhiều năm tháng 9. "Đây là điều quan ngại nhất trong các tác động của bão Yagi. Mưa lớn dẫn tới ngập úng cục bộ, nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất và uy hiếp hệ thống đê điều", ông Hiệp nói thêm.

Dự báo, mưa lớn diện rộng ở miền Bắc đến hết 12/9. Hai ngày tới, mưa lớn sẽ tiếp tục tập trung ở trung du và miền núi phía Bắc với lượng phổ biến 70-150 mm, có nơi trên 350 mm.

Mưa lớn sẽ khiến miền Bắc xuất hiện một đợt lũ trong khoảng thời gian từ nay đến 11/9. Trong đợt lũ này đỉnh lũ trên các sông nhỏ tại Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạm, Bắc Giang, Lào Cai, Yên Bái, Hoà Bình, Sơn La lên mức báo động hai, ba có nơi trên báo động ba.

7h30 Cấm nhiều phương tiện qua cầu Chương Dương

Xe khách, xe hợp đồng, xe du lịch trên 9 chỗ, xe tải trên 0,5 tấn bị cấm qua cầu Chương Dương từ 8h30 sáng nay đến khi nào có thông báo mới do lo ngại mất an toàn.

Cụ thể, hướng từ Hoàn Kiếm đi Long Biên: Cấm các phương tiện xe khách, xe hợp đồng, xe du lịch trên 9 chỗ; cấm xe tải có tải trọng trên 0,5 tấn; xe buýt được phép hoạt động.

Hướng từ Long Biên đi Hoàn Kiếm: Cấm các phương tiện xe khách, xe hợp đồng, xe du lịch trên 9 chỗ; cấm xe tải có tải trọng trên 0,5 tấn; xe buýt được phép hoạt động.

Các phương tiện xe khách, xe hợp đồng, xe du lịch trên 9 chỗ và xe tải có tải trọng trên 0,5 tấn có nhu cầu đi qua cầu Chương Dương lưu thông theo các cầu: Thanh Trì, Nhật Tân, Vĩnh Tuy, Thăng Long.

7h15 Chèo thuyền trong bến xe Bạch Đằng, Hoàn Kiếm

Bãi xe trên phố Bạch Đằng, quận Hoàn Kiếm, sau mấy tiếng nước dâng người dân phải đi thuyền từ ngoài đê vào sát đường. Trước đó sáu giờ, lệnh mở cửa xả và đảm bảo an toàn hạ du đã được Bộ gửi đến Công ty cổ phần Thủy điện Thác Bà và UBND các tỉnh Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, TP Hà Nội, nơi chịu ảnh hưởng của xả lũ. Ảnh: Giang Huy

Người dân ngoài đê di dời ôtô lên đường Nghi Tàm. Ảnh: Giang Huy

7h10 Nhiều sông qua Hà Nội lũ lên báo động ba

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết sáng nay các tỉnh miền Bắc tiếp tục mưa lớn. Lượng mưa từ 19h hôm qua đến 3h ngày hôm nay ở Yên Ninh (Yên Bái) hơn 320 mm, Đồng Tâm (Hòa Bình) 272 mm, Quang Trung (Nam Định) gần 210 mm.

Mực nước trên sông Đáy ở Ba Thá lúc 6h là 6,22 m, dưới báo động hai 0,28 m; sông Tích tại Kim Quan 8,59 m, trên báo động ba 0,19 m; sông Bùi tại Yên Duyệt 7,22 m, trên báo động ba 0,22 m; sông Cầu tại Lương Phúc 8,53 m trên báo động ba 0,53 m. Trong thang đo báo lũ, báo động 3 là mức cao nhất.

Cơ quan khí tượng cho biết trong 12 giờ tới mực nước trên các sông Hồng, Cầu, Thương, Thái Bình tiếp tục lên.

7h00 Dân Nghi Tàm dời nhà lúc nửa đêm

Chị Lê Thị Ngọc đang đưa đồ đạc ra khỏi nhà vì nước đã cao 40-60 cm. "Nước lên nhanh quá, bao nhiêu năm rồi ở đây mới lại bị ngập nặng thế này", chị Ngọc nói. Ảnh: Giang Huy

Anh Hoàng Long phải khóa cửa để chuẩn bị đi ngủ nhờ nhà người thân phía ngoài vì nước đã ngập gần nửa nhà. Ảnh: Giang Huy

Ông Thế Cường, nhà trong khu vườn quất Tứ Liên - Quảng An, đang cắm que để đo mực nước. "Cứ một tiếng tôi lại ra đo một lần, nước lên nhanh quá, mười mấy năm rồi mới thấy cao thế này, vườn quất xung quanh đây ngập hết rồi", ông nói. Ảnh: Giang Huy

6h45 Nghi Tàm nước "ngập đến ngực"

0h30 ngày 10/9, nước sông Hồng dâng cao khiến ngõ 176 Nghi Tàm ngập đến ngực, nhiều người phải sơ tán đến ở nhờ những nhà cao hơn.

Ảnh: Giang Huy

Có 3 nội dung mới cập nhật
Tin liên quan
Tin Nổi bật